Sốt xuất huyết ở trẻ em bùng phát, tăng nhanh và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt ở mức độ nặng, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Nhiều trẻ mắc bệnh có thể hết sốt vào ngày thứ 4, thứ 6 nhưng lại lừ đừ, mệt mỏi, đau bụng, lạnh tay chân… Đây là những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng mà không ít phụ huynh thường bỏ sót dẫn đến trẻ bị sốc sốt xuất huyết, nguy kịch.
Sốt xuất huyết ở trẻ em là gì?
Sốt xuất huyết ở trẻ em là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có nguồn lây từ muỗi vằn. Vì vậy, những nơi xuất hiện loài muỗi này đều có nguy cơ khiến trẻ mắc bệnh. Cụ thể, muỗi vằn mang virus từ một người mắc bệnh và chích sang người khác. Thế nên, sự lây lan của virus sốt xuất huyết có thể diễn ra trên diện rộng từ nơi này qua nơi khác.
Sốt xuất huyết Dengue còn được gọi là “virus đen”, một căn bệnh kinh khủng và hiện vẫn còn là gánh nặng với các nước nhiệt đới. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, một người có thể trải qua 4 lần bị bệnh với 4 tuýp khác nhau. (1)
Đặc biệt riêng ở địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang bước sâu vào mùa mưa là điều kiện thuận lợi cho muỗi vằn gây bệnh sinh sôi và phát triển, dẫn tới nguy cơ tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ tiếp tục diễn ra phức tạp hơn.
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê vừa công bố, trong 5 tháng đầu năm 2022, Việt Nam ghi nhận gần 26.000 ca với 13 ca tử vong, tập trung tại các tỉnh phía Nam. Riêng TP.HCM chiếm khoảng 30% số ca mắc với hơn 11.000 ca tăng hơn 46% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thạc sĩ, bác sĩ Lê Phan Kim Thoa, Trưởng khoa Nhi BVĐK Tâm Anh TP.HCM, sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ đang bùng phát và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Khoa Nhi BVĐK Tâm Anh hiện nay tiếp nhận khá nhiều số ca sốt xuất huyết nhập viện.
Bác sĩ Thoa cho biết, khi trẻ sốt cao, phụ huynh nên cho trẻ đi thăm khám vì có rất nhiều nguyên nhân gây sốt ở trẻ em. Trẻ mắc bệnh thường sốt cao liên tục và không kèm các triệu chứng đường hô hấp như ho hay sổ mũi; trong khi nhiễm Covid-19, trẻ có thể sốt cao hay sốt nhẹ, kèm triệu chứng ho, chảy mũi, nghẹt mũi… Mặc dù có sự khác biệt giữa các bệnh như sốt xuất huyết, nhiễm Covid-19 nhưng cả 2 bệnh đều do siêu vi nên giai đoạn sớm bệnh có thể biểu hiện khá giống nhau.
Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ em
Sốt xuất huyết ở trẻ cũng giống như các bệnh do virus thông thường, tuy nhiên biểu hiện có thể đặc biệt hơn một chút. Đầu tiên trẻ có thể đau đầu, đau mỏi người, tiếp đến là trẻ bị sốt phát ban và do có xung huyết, chảy máu cam và đi ngoài có phân đen. Tuy theo từng giai đoạn bệnh các triệu chứng sẽ khác nhau.
- Giai đoạn đầu: Ở giai đoạn đầu, thường khó phân biệt với các bệnh sốt do virus thông thường. Bé có biểu hiện sốt cao ngột ngộ từ 39-40 độ và liên tục trong 1-2 ngày đầu sau đó bệnh chuyển sang giai đoạn 2 – giai đoạn nguy hiểm.
- Giai đoạn nguy hiểm: Sau giai đoạn đầu trẻ tiến vào giai đoạn 2 là giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn này thường rơi vào khoảng từ ngày 3 đến ngày 7 kể từ khi sốt. Lúc này bé có thể có các triệu chứng nặng như bứt rứt, khó chịu và quấy khóc. Với những trẻ lớn hơn, có thể bé thường than đau đầu, không muốn ăn và buồn nôn. Khi bố mẹ quan sát ở trên da có biểu hiện sung huyết, 2 mắt đau nhức và có thể chảy máu chân răng hoặc máu cam, thậm chí xuất huyết nội tạng (đái ra máu,…). Sau đó bệnh chuyển qua giai đoạn 3 – giai đoạn phục hồi.
- Giai đoạn phục hồi: Ở giai đoạn này trẻ bắt đầu hết sốt và sức khỏe tốt dần lên, trẻ dần có cảm giác thèm ăn, huyết động ổn định, trẻ đi tiểu nhiều hơn và các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên khôi phục về tình trạng bình thường. Tuy vậy, ở những trẻ nặng, từ giai đoạn này có thể xuất hiện một số biến chứng diễn tiến rất khó lường.
Nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ
Bệnh sốt xuất huyết do nhiễm virus dengue sau khi bị muỗi cái thuộc chi Aedes đốt. Người là ổ chứa virus chính. (2)
Muỗi Aedes aegypti là véc tơ truyền bệnh, chúng hoạt động vào ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt người và truyền bệnh. Sau khi muỗi cái Aedes hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue, virus này sẽ ủ bệnh trong cơ thể muỗi khoảng 8 đến 11 ngày. Trong khoảng thời gian đó, muỗi có nguy cơ truyền bệnh cho người. Khi vào cơ thể người, virus tuần hoàn trong máu từ 2 đến 7 ngày. Trong khoảng thời gian này nếu muỗi Aedes hút máu thì virus được truyền cho muỗi.
Muỗi sau khi chích người bệnh hoặc người nhiễm siêu vi (chưa có dấu hiệu bệnh) sẽ mang mầm bệnh lây qua những người khỏe mạnh nó nó chích sau đó. Vì vậy ở trẻ em nếu sống trong môi trường có ổ muỗi và có người bệnh thì nguy cơ trẻ mắc bệnh cũng cao hơn nếu không có các biện pháp phòng ngừa.
Virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng huyết thanh bao gồm: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Trẻ nhỏ có thể nhiễm 1 trong 4 chủng và tạo ra miễn dịch trọn đời với chủng đó, tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc trẻ có thể mắc 4 lần sốt xuất huyết trong đời.
Sốt xuất huyết ở trẻ em có nguy hiểm không?
Sốt xuất huyết nếu không được theo dõi và điều trị phù hợp có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của bé. Một số phụ huynh thường lầm tưởng rằng bé hết sốt là khỏi bệnh, tuy nhiên điều này hoàn toàn sai. Dù tình trạng bé có thể hết sốt vào ngày thứ 3 nhưng bệnh có thể chuyển biến nặng vào các ngày sau đó.
Thời điểm này virus Dengue sẽ làm cho cơ thể suy yếu, miễn dịch kém gây ra tình trạng xuất huyết dưới da. Đã có không ít trường hợp gia đình không đưa bé đi thăm khám mà tự ý điều trị, không phát hiện kịp những bệnh cảnh nguy hiểm của sốt xuất huyết dẫn đến việc bé nhập viện muộn, tình trạng nặng, có biến chứng.
Trước hết, biến chứng nguy hiểm của bệnh phải kể đến là sốc do mất máu, thoát huyết tương. Virus Dengue khi xâm nhập vào cơ thể sẽ làm tăng tính thấm mao mạch dẫn đến thoát huyết tương, máu bị cô đặc dẫn đến sốc và tống máu ra ngoài. Tình trạng này kéo dài có thể làm ứ đọng dịch huyết tương trong màng não, gây phù não, dẫn đến các vấn đề về thần kinh và hôn mê. Bên cạnh đó thoát huyết tương có thể tràn và xâm nhập vào đường hô hấp, gây nên tình trạng viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, phù phổi….
Bên cạnh đó còn một số biến nguy hiểm như suy đa tạng, biến chứng về mắt như mù đột ngột, hạ huyết áp, viêm não… Vì vậy, đối với sốt xuất huyết, việc theo dõi rất quan trọng để đánh giá được tình trạng của bé.
Khi nào cần gặp bác sĩ?
Đa số trường hợp trẻ mắc sốt xuất huyết bố mẹ có thể để bé ở nhà và tự điều trị chỉ cần tuân thủ lời khuyên của bác sĩ về việc theo dõi và tái khám và dùng thuốc.
Bác sĩ Kim Thoa lưu ý phụ huynh hoặc người chăm sóc trẻ cần chú ý một số dấu hiệu cảnh báo như: bé ngủ nhiều, lừ đừ, không chơi, hay bứt rứt, quấy khóc liên tục; các bé lớn than đau bụng, vùng bẹ sườn phía bên phải hoặc bé ói; bé uống nước không được, có nguy cơ bị thiếu nước hay đặc máu; bé bị chảy máu chân răng, chảy máu cam, cầu ra máu, tiểu ra máu; một số bé gái đến kỳ hành kinh có lượng máu kinh ra nhiều hơn bình thường. Lúc này, cần đưa bé đến viện ngay.
Đặc biệt chú ý, nếu bé đi tiểu ít, 3 tiếng không tiểu, 6 tiếng không tiểu thì coi chừng bé bị thiếu dịch; nặng hơn nữa là khó thở do dịch thoát ở mạch máu ra nhiều quá hoặc dịch thoát ra trong phổi thì đó là giai đoạn nặng, và đừng để bé đến giai đoạn này.
Phương pháp chẩn đoán
Để chẩn đoán sốt xuất huyết ở trẻ thường dựa vào các yếu tố như dịch tễ, biểu hiện lâm sàng của bệnh và một số xét nghiệm cơ bản dựa trên số lượng bạch cầu, tiểu cầu và và hematocrit.
Sốt xuất huyết Dengue thường có giảm bạch cầu, vì vậy trường hợp bạch cầu tăng thường là cơ sở để loại trừ bệnh. Một số xét nghiệm khác để đánh giá mức độ bệnh như điện giải đồ, khí máu, đánh giá chức năng đông máu, đo men gan, X-quang phổi để phát hiện tràn dịch màng phổi. Phân lập virus để phát hiện mầm bệnh trong máu và huyết thanh, xác định kháng nguyên virus bằng các phương pháp miễn dịch hoặc phát hiện bộ gen của virus bằng kỹ thuật khuếch đại chuỗi DNA (PCR).
Để biết chính xác có phải trẻ bị sốt xuất huyết hay không, trẻ cần được thăm khám và và làm xét nghiệm. Ngoài xác định được bệnh, xét nghiệm máu còn giúp tiên lượng bệnh nhân nặng hay nhẹ. Do đó, dù người bệnh nghi ngờ mình bị bệnh gì, khi trẻ bị sốt cao khó hạ hay đã qua 48 tiếng mà trẻ vẫn còn sốt thì nên đi khám ngay
Cách điều trị sốt xuất huyết ở trẻ em
Theo bác sĩ Kim Thoa, đối với sốt xuất huyết, quan trọng bố mẹ cần theo dõi bé ở nhà vì không phải tất cả trẻ mắc sốt xuất huyết đều phải nhập viện, trong khi điều trị tại nhà cần lưu ý một số vấn đề sau: (3)
- Thứ nhất, bác sĩ sẽ là người trực tiếp quyết định bệnh nhi đó có đủ tiêu chuẩn và điều kiện để điều trị tại nhà hay không. Dựa và các yếu tố như xét nghiệm máu, đánh giá máu có cô đặc nhiều không, tiểu cầu thấp quá không, nếu các điều kiện này ở mức chấp nhận được và an toàn, không gây xuất huyết bệnh nhi sẽ được chấp thuận điều trị tại nhà.
- Bố mẹ cần theo dõi và giúp bé tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, không ít phụ huynh thấy con bệnh chán ăn nên cho bé đi truyền nước biển. Tuy nhiên điều này vô cùng nguy hiểm vì tùy giai đoạn sẽ có lúc bé thiếu nước, có lúc bé dư nước. Vì vậy việc tự ý cho bé đi truyền nước vô hình chung làm bệnh của bé trầm trọng hơn.
- Cho bé uống nhiều nước, oresol theo dõi. Trong trường hợp bé không muốn uống oresol bố mẹ có thể bổ sung thay thế như nước dừa, các loại nước hoa quả hoặc nước cháo muối đường. Nếu bé có dấu hiệu lừ đừ, bứt rứt khó chịu, đau bụng, ói nhiều, không ăn uống được, tiểu ít, chảy máu chân răng, đi cầu ra máu, khó thở… thì cần đưa đến bệnh viện gấp.
- Nếu bé bị sốt cao, co giật từ 2 lần trở lên thì có thể là sốt cao co giật đơn thuần. Đây là sốt co giật toàn thể, bé có thể mắt nhìn trợn ngược lên, tay chân giật và miệng có sùi bọt,… cơn co giật kéo dài từ 1-2 phút là hết, trường hợp này được xác định đối với những bé không có tiền sử chấn thương não, viêm màng não, gia đình không có tiền sử động kinh hay bệnh về não bộ thì chúng tôi gọi đó là sốt cao co giật đơn thuần.
- Trong trường hợp này, bố mẹ cần bình tĩnh xử trí bằng cách cho bé nghiêng sang 1 bên ngay lập tức vì nếu nằm ngửa sẽ có nguy cơ bé bị sặc. Cho bé uống thuốc hạ sốt, đặt thuốc, theo dõi đồng hồ để biết thời gian bé bị giật, không đưa tay vào miệng bé và cho lưỡi bé thụt vào trong chứ không lè ra ngoài qua răng.
- Với việc ăn uống, bố mẹ cho bé ăn thực phẩm mềm, lỏng, không ăn đồ chiên rán, và không để bé ăn thực phẩm có màu đen hoặc đỏ vì trong bệnh cảnh sốt xuất huyết sẽ có xuất huyết tiêu hóa, nếu bé ăn những thực phẩm này thì khi bé ói hoặc đi ngoài sẽ rất khó phân biệt có đi ra máu hay không, gây khó khăn cho bác sĩ chẩn đoán.
- Bên cạnh đó, bố mẹ cần theo dõi nhiệt độ cho bé để xem khi nào bé cần được hạ sốt, nếu bé hạ sốt đột ngột kèm theo không khỏe thì cần đặc biệt chú ý vì có thể đó là tình trạng chuyển nặng. Khi bé sốt mẹ có thể lau mát cho bé, hạn chế dùng thuốc, uống nhiều nước và tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ để tránh việc lạm dụng thuốc ảnh hưởng đến chức năng gan. Chỉ nên hạ sốt khi bé trên 38.5 độ và không tự ý điều chỉnh liều thuốc của con.
- Theo bác Thoa, ngoài paracetamol, nhiều gia đình tự trữ thuốc ibuprofen và thấy thuốc này hạ sốt tốt nên tự ý sử dụng. Tuy nhiên, bác sĩ khuyên không nên tự ý sử dụng ibuprofen nếu không có chỉ định vì ibuprofen ảnh hưởng và làm giảm chức năng tiểu cầu và dễ xuất huyết hơn.
- Nếu ở nhà bé uống oresol, uống nước dừa hoặc nước cháo tốt, cứ 4-6 tiếng mới sốt lại thì bạn cứ yên tâm, đến ngày thứ 3 mới cần đưa bé đến khám lại. Sau ngày thứ 3 có thể có giảm tiểu cầu, ngày thứ 4-5 có thể nguy hiểm nên cần theo dõi kỹ. Tuy nhiên, diễn tiến bệnh ở trẻ con nhiều khi không thể lường trước, nên bạn phải để ý và đưa bé đến ngay bệnh viện để chúng tôi theo dõi lượng dịch. Nếu bé sốt cao và không ăn thì cần cho bé nhập viện ngay để được truyền dịch kịp thời.
Cách phòng ngừa sốt xuất huyết
Hiện tại, sốt xuất huyết đã có vắc xin phòng ngừa nhưng hiệu quả không được như mong đợi nên chưa được tiếp cận với người dân, vì vậy cách phòng tốt nhất là diệt môi trường sống và triệt đường sinh sản của muỗi. Với những khu vực có nước đọng trong nhà cần được dọn dẹp sạch sẽ, bình chứa nước cần được đậy nắp kín tránh muỗi trẻ trứng trong đó. Những vật phế thải như rác, tô chén, chum vỡ… vật có thể chứa nước đọng cần được dọn dẹp sạch sẽ vì muỗi có thể sinh sôi nảy nở ở đó.
Bên cạnh giữ môi trường xung quanh sạch sẽ thì bố mẹ cần phòng ngừa việc bị muỗi đốt bằng cách mặc quần áo dài tay, ngủ có mùng/màn và giăng lưới khu vực cửa sổ. Đặc điểm của muỗi vằn sốt xuất huyết là chích ban ngày trong khi đó chúng ta có khuynh hướng ngủ ban đêm mới giăng mùng/màn, còn ban ngày thì không. Vì vậy cần chú ý sáng sớm và chiều tối là 2 thời điểm để bảo vệ trẻ, tránh không cho trẻ đi đến những chỗ có nước đọng, đặc biệt là nước sạch vì muỗi sốt xuất huyết không đẻ trứng ở những nơi nước dơ như cống rãnh. (4)
Sốt xuất huyết ở trẻ em vẫn là nỗi lo của nhiều gia đình, bệnh có xu hướng gia tăng trong thời gian tới. Để bảo vệ sức khỏe của bé và gia đình khỏi nguy cơ nhiễm bệnh bố mẹ cần chú ý trong việc diệt muỗi, sử dụng các biện pháp phòng ngừa. Nếu trẻ mắc sốt xuất huyết cần đưa trẻ đến có cơ sở y tế có chuyên khoa nhi để được thăm khám và hướng dẫn chăm sóc.